Cận thị ở trẻ: “Tất tần tận” những gì ba mẹ cần biết

26/03/2025 13 lượt xem

Áp lực học tập lớn cùng với thói quen sử dụng thiết bị điện tử hàng ngày khiến tỷ lệ trẻ em bị cận thị tăng lên nhanh chóng. Đáng nói, sự phổ biến này khiến một số bậc phụ huynh “bình thường hóa” và lơ là với đôi mắt cận của con. Vậy, cận thị ở trẻ là gì, có nguy hiểm không? Mời ba mẹ cùng Vision Kids tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết hôm nay.

Nguyên nhân gây cận thị ở trẻ

Cận thị ở trẻ là tật khúc xạ khiến mắt chỉ có khả năng nhìn rõ các vật ở gần và gặp khó khăn khi quan sát ở khoảng cách xa. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do:

  • Cấu trúc mắt bất thường: Xảy ra khi khoảng cách từ giác mạc đến võng mạc (trục nhãn cầu) quá dài, giác mạc hoặc thuỷ tinh thể có độ cong quá lớn khiến hình ảnh hiển thị phía trước võng mạc thay vì trên võng mạc.
  • Di truyền: Khi ba mẹ bị cận thị, khoảng 23 – 100% trẻ sinh ra có nguy cơ mắc tật khúc xạ này. Vậy nên, di truyền là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ cận thị ở trẻ.
  • Ít ra ngoài trời: Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quá quá ít làm hạn chế hoạt động giải phóng dopamine – Hoạt chất có khả năng làm chậm quá trình kéo dài trục nhãn cầu và ảnh hưởng đến võng mạc. Đây có thể là yếu tố thúc đẩy quá trình cận thị ở trẻ trong thời đại hiện nay.
  • Lạm dụng công nghệ: Khi sử dụng thiết bị điện tử hoặc đọc sách, mắt sẽ điều tiết để thích nghi với việc nhìn ở khoảng cách gần. Tình trạng này diễn ra liên tục trong thời gian dài có thể gây ra hiện tượng co quắp điều tiết (cận thị giả).
  • Môi trường thiếu sáng: Trẻ học tập, sinh hoạt trong môi trường thiếu sáng khiến mắt phải tăng điều tiết để nhìn rõ. Ngoài ra, trẻ có xu hướng đưa vật lại gần khiến mắt quen nhìn ở khoảng cách gần. Tình trạng này kéo dài làm tăng nguy cơ cận thị.
  • Thiếu ngủ thường xuyên: Trẻ mất ngủ, ngủ ít ở giai đoạn 7 – 9 tuổi và 12- 14 tuổi có thể bị cận thị do giảm sản xuất melatonin và rối loạn điều tiết.
  • Thiếu dưỡng chất: Ở trẻ nhỏ, hệ thống thị giác phát triển mạnh mẽ nên nhu cầu về dinh dưỡng cũng cao hơn. Việc thiếu hụt các dưỡng chất như: vitamin A, C, E, đồng, selen,… có thể khiến mắt yếu hơn, tăng nguy cơ cận thị.
  • Sinh non: Những em bé sinh non trên 2 tuần hoặc nhẹ cân ( <2.5kg) có nguy cơ cao bị cận thị ở giai đoạn học vỡ lòng hoặc thiếu niên.
Thói quen thiếu khoa học có thể thúc đẩy cận thị ở trẻ nhỏ
Thói quen thiếu khoa học có thể thúc đẩy cận thị ở trẻ nhỏ

Dấu hiệu thường gặp ở trẻ cận thị

Trẻ bị cận thị luôn cảm thấy khó khăn khi việc quan sát các vật ở xa. Bên cạnh đó, khả năng điều tiết của mắt cận cũng kém hơn, gây ra các triệu chứng khó chịu. Hầu hết trẻ nhỏ chưa hiểu được cận thị là gì. Vậy nên, ba mẹ chỉ có thể quan sát và phán đoán thông qua những dấu hiệu dưới đây:

  • Trẻ có xu hướng nhìn gần: Do không nhìn rõ ở khoảng cách xa nên trẻ bị cận thị luôn cố gắng “rút ngắn khoảng cách”. Vậy nên, nếu ba mẹ thấy bé hay cúi sát xuống sách vở, đưa điện thoại sát mặt, đứng gần tivi,… thì rất có thể bé đang bị cận thị.
  • Trẻ hay dụi mắt: Đây có thể là dấu hiệu cho thấy mắt gặp khó khăn trong quá trình điều tiết để nhìn rõ vật. Ba mẹ nên quan sát con nhiều hơn để phát hiện các dấu hiệu của cận thị.
  • Nhạy cảm với ánh sáng: Biểu hiện qua việc trẻ sợ, lấy tay che mắt hoặc nheo mắt quá lâu khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc đèn điện. Đôi khi bé có thể kêu đau đầu hoặc buồn nôn. Đây là dấu hiệu của các bệnh lý về mắt, bao gồm cả cận thị.
  • Trẻ kêu khó chịu: Một số trẻ có thể phàn nàn bị mỏi mắt, đau mắt, cộm mắt khi học tập, đọc truyện hoặc sử dụng các thiết bị điện tử. Đây là một số dấu hiệu thường gặp trong bệnh cận thị ở trẻ nhỏ.
  • Trẻ nhắm một mắt khi nhìn: Thường xảy ra do hai mắt giảm khả năng phối hợp đồng bộ (rối loạn quy tụ thị lực). Triệu chứng này khá phổ biến ở những trẻ mắc tật cận thị.

Trẻ bị cận thị dễ bị mỏi mắt khi nhìn
Trẻ bị cận thị dễ bị mỏi mắt khi nhìn

Cận thị ở trẻ có nguy hiểm không?

Cận thị không chỉ hạn chế phạm vi hoạt động, khả năng quan sát học tập của trẻ mà có thể gây ra nhiều biến chứng nếu độ cận tăng quá nhanh và quá cao. Theo đó, những trẻ bị cận thị nặng có thể phải đối diện với các bệnh lý về mắt, ví dụ như:

Bệnh Glaucoma: Trẻ bị cận trên 8 độ thường có trục nhãn cầu dài bất thường, khiến lớp liên kết mỏng và yếu. Đây là nguyên nhân gây glaucoma góc mở làm thu hẹp tầm nhìn vào trung tâm. Bệnh lý này có thể gây mù lòa vĩnh viễn.

Đục thuỷ tinh thể: Xảy ra do trục nhãn cầu quá dài ngăn cản cung cấp dưỡng chất đến thuỷ tinh thể. Mặt khác, trục nhãn cầu dài ra làm tổn hại tới các tế bào cảm thụ ánh sáng ở võng mạc và gây ra các biến chứng ở mắt, bao gồm bệnh đục thuỷ tinh thể.

Bong võng mạc: Ở trẻ cận thị nặng, nhãn cầu lồi ra phía trước kéo căng màng võng mạc. Tình trạng này khiến chu biên võng mạc mỏng dần và thoái hoá.

Thoái hoá điểm vàng: Khi độ cận tăng lên, các tế bào trung tâm võng mạc bị ảnh hưởng và tạo thành điểm mù trung tâm của mắt. Bên cạnh đó, võng mạc mỏng hơn cũng gây ra các vết nứt ở lớp dưới võng mạc, gây teo hoặc xuất huyết ở trung tâm điểm vàng.

Thoái hoá điểm vàng là biến chứng thường gặp ở trẻ cận thị nặng
Thoái hoá điểm vàng là biến chứng thường gặp ở trẻ cận thị nặng

Nguy cơ biến chứng tỉ lệ thuận với mức độ cận thị của trẻ. Vậy nên, để tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng, ba mẹ cần theo dõi sát sao và có biện pháp điều trị cận thị phù hợp cho trẻ ở giai đoạn sớm.

Các phương pháp kiểm soát cận thị ở trẻ hiện nay

Phương pháp kiểm soát cận thị được xác định dựa trên mức độ cận, tình trạng sức khoẻ và điều kiện của từng gia đình. Những biện pháp được áp dụng phổ biến gồm:

  • Dùng thuốc Atropine: Làm ức chế sự phát triển của trục nhãn cầu và kiểm soát mức độ cận thị. Một số tác dụng có thể gặp phải khi sử dụng atropine gồm giãn đồng tử, chói mắt, nhìn gần mờ và kích ứng mắt thoáng qua.
  • Đeo kính: Giúp điều chỉnh đường đi của ánh sáng, trẻ nhìn rõ các vật ở khoảng cách xa. Có hai loại kính được sử dụng phổ biến gồm kính gọng và kính áp tròng.
  • Ortho-K: Là một loại kính áp tròng đặc biệt được sử dụng vào ban đêm để thay đổi hình dạng giác mạc. Nhờ vậy, trẻ không cần đeo kính trong ngày hôm sau mà vẫn duy trì được tầm nhìn bình thường.
Sử dụng thuốc đúng cách giúp ngăn cận thị tiến triển
Sử dụng thuốc đúng cách giúp ngăn cận thị tiến triển

Ngoài những biện pháp trên, ba mẹ cần chú ý hướng dẫn trẻ xây dựng thói quen sống lành mạnh, điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học và tăng cường bổ sung các hoạt chất giúp nuôi dưỡng – bảo vệ mắt, điển hình như Lutemax 2020 – Một trong những phức hợp được nhiều chuyên gia khuyên dùng nhất hiện nay.

Trên đây là nội dung tổng quan về tình trạng cận thị ở trẻ. Mong rằng bài viết đã mang đến cho các bậc phụ huynh nhiều kiến thức hữu ích. Nếu có thắc mắc cần giải đáp, ba mẹ có thể để lại lời nhắn hoặc liên hệ trực tiếp qua hotline: 1900 5066.